ĐỨNG LÊN ĐI ! ÔI QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU

Tôi cố tránh những giòng khởi đầu bài viêt của mình mang hơi hướm u buồn nào đó, hoặc tệ hơn là có cả những từ như phân-ưu-tạ-thế… Nhưng thực tế, cả thế giới đã chuẩn bị để sẽ phải đón nhận một tin như thế, nhiều người đã phải chuẩn bị một tâm thế như vậy, tuy rằng, sáng nay (30-6-2013), khi tôi viết những giòng này, vẫn chưa có thêm tin gì về cái điều u buồn mà nhiều người đã phải chờ đợi.

NELSON ROLIHLAHLA MANDELA.

          Tôi không biết khi chuông trời đổ gọi, ai là người ở Nam Phi sẽ được vinh dự soạn lời điếu văn để tiễn biệt một người con vĩ đại của Nam Phi, một nhân cách lớn của nhân loại vĩnh biệt cõi thế. Tôi hoàn toàn vô can và vô tầm về việc này nhưng tôi trông chờ một tình cảm chân thành sâu sắc, một sự ngưỡng mộ lớn lao và một khả năng tu từ ưu việt trong lời ai điếu sẽ đầy xúc động này.

Bỗng nhớ lại đoạn mở đầu của lời thông báo – mà cũng là lời ai điếu – được chính thức phát đi trên các hệ thống truyền thông Pháp quốc lúc tổng thống Charles de Gaulle tạ thế:

         “Quốc dân đồng bào

Tổng thống de Gaulle đã mất. Nước Pháp đã trở nên goá bụa…”.

Một tình cảm xúc động sâu sắc. Một sự ngưỡng mộ thẩm sâu. Và Một khả năng tu từ đặc sắc trong một sự kiện hiếm hoi…

          (Notes: Sau khi nghe bản điếu văn này, tổng thống đương nhiệm của nước Mỹ lúc bấy giờ là Richard Nixon đã bảo thư ký là “tìm ngay cho tôi “thằng cha” nào đã viết bài này…” Thì ra tác giả cũng chính là người xướng đọc:  Georges Pompidou, tổng thống Pháp đương quyền. Charles de Gaulle (22-11-1890 — 9-11-1970), người khai sinh ra nền đệ ngũ cộng hoà Pháp, làm tổng thống 2 nhiệm kỳ từ 1959 đến 1969. Georges Pompidou (1911—1974), từng làm phó cho de Gaulle rồi tổng thống Pháp kế tục de Gaulle từ 1969 đến 1974.)

 

Tôi nghĩ với Charles de Gaulle và nền đệ ngũ cộng hoà Pháp (tức là nước Pháp sau đệ nhị thế chiến) đất nước Nam Phi với Mandela có điều gì đó hao hao, ngang tầm và tôi có niềm tin rằng trong tâm tưởng của hai dân tộc đó cũng có những tình cảm hao hao giống nhau đối với người con khả kính của đất nước mình.

SƠ LƯỢC NAM PHI SỬ – ĐỊA VÀ XÃ HỘI.

          Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử chính trị và xã hội đã cho rằng mãi đến những năm 40, 50 của thế kỷ thứ 20 đa phần các xứ ở châu Phi cũng chưa hình thành nên những “quốc gia” theo các khái niệm chính thống. Một lãnh thổ ổn định với những đường biên giới rạch ròi; một chính quyền trung ương thống nhất và một cộng đồng dân tộc. Chưa có những định chế như thế một cách tương đối ổn định và những khái niệm như thế trong tuyệt đại đa số dân chúng. Các “quốc gia” ở châu Phi hầu hết là tập hợp lỏng lẻo các bộ tộc, đường biên giới lãnh thổ cũng du di tuỳ thuộc vào sự lớn mạnh của bộ tộc này hoặc sự trôi dạt của bộ tộc khác. Các chính quyền thực dân da trắng, ngoài tham vọng lãnh thổ để cướp đoạt tài nguyên, thì ngược lại, càng làm cho các cộng đồng các bộ tộc thêm phân hoá, chia rẽ và xung đột hơn nữa mà chưa bao giờ thúc đẩy tiến trình hình thành các định chế quốc gia nghiêm túc.

Suốt thời gian từ cuối thế kỷ 15 — khi người da trắng châu Âu bắt đầu có những ghi chép về các phần đất là Nam Phi ngày nay — cho đến những năm đầu của thế kỷ 20; xứ Nam Phi cũng nằm trong tình cảnh, bối cảnh chung như vậy.

Nhìn trên bản đồ châu Phi và Nam Phi, chúng ta sẽ thấy non một nửa biên giới của Nam Phi là tiếp giáp với đại dương. Từ một phần phía Tây-Nam tiếp giáp với Đại-tây-dương, vòng qua mũi Cape, mũi cực nam của lục địa là toàn bộ phía đông của Nam Phi tiếp giáp với Ấn-độ-dương  và như vậy là trước khi có hải lộ kênh đào Suez được đưa vào sử dụng vào cuối năm 1869 thì  xứ sở Nam Phi ngày nay đã phơi mình trước những đoàn thuyền châu Âu từ thế kỷ 15 trở đi, cũng như sau châu Âu là châu Mỹ. Đó là những hạm đội đi thám hiểm, làm ăn buôn bán và truyền giáo mà ngày nay ta có thể nói gọn lại một tiếng là những hạm đội đi ăn cướp rồi sau đó đặt ách đô hộ thực dân lên tất cả những nơi mà chúng khống chế được tại hai lục địa lớn nhất hành tinh là châu Á và châu Phi. Kế tiếp bọn này là những đoàn thuyền tội ác chất chở người da đen châu Phi như súc vật sang châu Mỹ để làm nô lệ. Và xứ Nam Phi thuở đó, bởi vị trí địa dư của nó đã trở thành nơi tập kết, trung chuyển cho hoạt động của một trong những chương u tối và tàn tệ nhất của lịch sử nhân loại: săn bắt người và mua bán người còn tàn ác hơn mua bán trâu bò.

Song song với hai hoạt động đó (cướp-bóc-rồi-đô-hộ-thực-dân và săn-bắt-và-buôn-người-làm-nô-lệ ) là công cuộc định cư của người da trắng.Và cũng vì vị trí địa lý đặc biệt: phơi mình bên bờ hai đại dương có hải lộ thông thương duy nhất đến ba lục địa (Phi, Á,Úc) và là chặn nghỉ chân chiến lược lý tưởng trên con dường dài đi nửa trái đất. Nam Phi đã trở thành là xứ đặc biệt hơn hết thảy của lục địa đen: Nơi có người da trắng định cư sớm nhất và đông nhất. Những kẻ định cư bước đầu và phần đông là bọn tội phạm, bọn du thủ du thực phiêu lưu mà người Hà Lan là áp đảo hơn hết thảy các giống dân khác. Thoạt đầu họ định cư ở vùng duyên hải rồi lần hồi tiến dần vào sâu bên trong  và đến cuối thế kỷ 17, toàn bộ xứ Nam Phi ngày nay đã trở thành thuộc địa của Hà Lan.

Trong suốt quá trình tiến chiếm, định cư, săn đuổi, cướp bóc, thực dân và tàn sát đó là những trận chiến giành giật để chuyển quyền thống trị của người da trắng gây nên những khổ đau và thảm trạng không sao kể xiết của các sắc tộc bản địa. Cho đến đầu thế kỷ 20 thì thực dân Anh thế quyền cai trị của người Hà Lan và lần hồi thiết lập nên một xã hội bất công và phi lý cùng cực mà đỉnh điểm là chế độ phân biệt đối xử nặng nề và hà khắc mà sau này sẽ được gọi là chế độ Apartheid.

Tuy thế, quá trình xây dựng một quốc gia thống nhất rồi cũng dần hình thành. Năm 1910 Liên Minh Nam Phi được thành lập trở thành một lãnh thổ tự trị trong khối Liên-Hiệp-Anh.

Ngày nay, Nam Phi có tên chính thức là Cộng hoà Nam Phi với diện tích là 1.219 ngàn km2 với thủ đô hành pháp đặt tại Pretoria. Về dân số có 48.810 ngàn người với cơ cấu bao gồm 9 bộ tộc lớn người Phi châu da đen chiếm tỷ lệ suýt soát 80% + non 9% là người da trắng + ít hơn một chút là người da màu (gốc trắng lai bản địa) và nhóm nhỏ nhất khoản hơn 2% là người Ấn-độ và châu Á khác (trong đó có khoản 50.000 người VN).

Về ngôn ngữ chính thức thì ngoài tiếng Anh, tiếng Africaans còn phải dùng đến 9 thứ tiếng bản địa tương ứng với 9 bộ tộc lớn nhất.

Theo nhiều phương diện, Nam phi là một nước phát triển; tuy nhiên sự phát triển này tập trung chủ yếu quanh 4 vùng là Capetown, Port Elizaberth, Durban và thủ đô Pretoria. Ngoại trừ Pretoria ở mạn bắc là hơi sâu trong nội địa, còn lại 3 khu kia đều nằm ven duyên hải. Do vậy, các vùng khác trong toàn quốc vẫn còn tình trạng nghèo khổ và bất công xã hội như là một di sản nặng nề của lịch sử, cho dù có những nổ lực của chính phủ đương đại cũng chưa mấy được cải thiện.

VÀ NELSON MANDELA,

         Nelson Rolihlahla Mandela sinh ngày 18-7-1918 tại Mvezo thuộc tỉnh Cape trong một gia đình có truyên thống nhiều đời là lãnh đạo của bộ tộc Thembu.Và nếu truy nguyên bốn đời về trước thì cụ cố của ông đã từng là vua của người Thembu. Nhưng rồi thế sự vần xoay, thời đại đổi thay với nhiều biến cố cùng với việc mẹ ông là người ở một bộ tộc khác nên địa vị trong bộ tộc cũng như gia cảnh của ông cũng phải nhiều đổi thay, yếu thế.

Mandela là người đầu tiên trong gia đình được đi học và cái tên tiếng Anh Nelson là do cô giáo đặt cho. Ông học hành khá nhanh và trót lọt thời trung học, nhưng khi bắt đầu vào đại học thì gặp nhiều trắc trở. Ngay năm đầu tiên học Luật tại ĐHFort Hare, ông đã tham gia phong trào chính trị đối lập hoạt động sôi nổi trong giới thanh niên và sinh viên. Chỉ ngay trong năm đầu tiên ông đã bị đuổi học. Thế là chàng thanh niên Mandela với tuổi đôi mươi phải bươn chải, xê dịch nhiều nơi vừa để kiếm sống, vừa để tìm kiếm, kết thân với những bạn đồng chí hướng để cùng đấu tranh với chế độ phân biệt đối xử hà khắc, và ông cũng kiên trì tìm cơ hội để nâng cao học vấn.

African National Congress (ANC) là một đảng chính trị của người Phi bản địa được thành lập vào năm 1912 lúc chính quyền thuộc địa còn áp dụng một chế độ tương đối cởi mở. Và trong quá trình hoạt động đấu tranh Mandela đã gia nhập ANC vào khoản năm 1940.

Từ năm 1948 khi đảng Quốc gia thắng cử và nắm quyền lực, chính quyền bắt đầu áp đặt một loạt các bộ luật phân biệt nặng nề gây nên tình trạng bất ổn và đàn áp ngày càng leo thang trong đất nước.Và trong cao trào đàn áp đó, Mandela bị bắt giam lần đầu tiên vào năm 1956 với quá trình xét xử kéo dài trong năm năm. Ông được tuyên trắng án, được trả tự do năm 1961 và ngay lập tức trở thành đồng sáng lập và lãnh đạo cánh vũ trang của ANC. Đây là một phương pháp chiến thuật bất đắc dĩ trong tình cảnh bị đàn áp hết sức nặng nề và tàn bạo, nhưng cũng gây nên những tai tiếng không hay cho cá nhân ông, các chiến hữu và với cả ANC.

Rồi ông lại bị bắt vào ngày 5-8-1962 cùng vối một số chiến hữu, bị đưa ra toà ngày 11-7-1962 với “phiên toà Rivonia” đã đi vào lịch sử, rồi sau đó vào ngày 20-4-1964 tại toà án rối cao Pretoria và rốt cuộc bị tuyên tù chung thân vào ngày 12-6-1964. Tính đến khi được trả tự do vào năm 1990, ông đã bị cầm tù đến 1/3 cuộc đời.

Trong thời gian ở tù, ông đã theo học chương trình đào tạo từ xa và nhận được bằng cử nhân Luật của ĐH London. Trước đó ông cũng đã có bằng cử nhân hàm thụ của trường ĐH Nam Phi và văn bằng Luật của trường ĐH Witwatersrand để hành nghề luật sư.

Đã có rất nhiều áp lực ở trong cũng như ngoài nước đòi chính quyền Nam Phi phải trả tự do cho Mandela trong suốt thời kỳ ông bị giam giữ. Và cuối cùng tổng thống Frederik W. de Klerk tuyên bố trả tự do cho Nelson Mandela vào tháng 2 năm 1990.

Được tự do, Mandela tiếp tục cuộc đấu tranh xoá bỏ bất công cùng với ANC và đến năm 1991 ông được bầu làm chủ tịch ANC. Và với tư cách này, ông đã kiên trì và mềm dẻo thương thuyết với tổng thống de Klerk để bãi bỏ chế độ Apartheid và bầu cử đa chủng tộc.

Cuối cùng cuộc bầu cử đa chủng lần đầu tiên cũng phải đến, vào năm 1994; đảng ANC thắng lợi với tỷ lệ 62% và Nelson Mandela trở thành vị tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi. Trong nhiệm kỳ 5 năm duy nhất của mình (1994-1999), Nelson Mandela đã thi hành một chính sách hoà giải chủng tộc thật sự giữa người da đen, da trắng, Africaners, người châu Á… và lần lượt giải thể các định chế phân biệt đối xử do chế độ Apartheid để lại; giải quyết nạn nghèo đói cho đa số dân chúng là người da đen và san bằng dần hố chênh lệch kinh tế trong xã hội.

Mãn nhiệm, ông không ra tái ứng cử-dù chắc chắn sẽ được tái đắc cử- để dành thì giờ cho các hoạt động xã hội và từ thiện, mà trong đó ông chú trọng việc chống căn bệnh thế kỷ hiện Nam Phi đang bị nặng nề là HIV/AIDS và nạn nghèo khó.

Nelson Mandela mang trong người một trái tim nhân ái, quả cảm, một bầu nhiệt huyết đấu tranh không mệt mỏi cho đại đa số nhân dân da đen đồng chủng-những người chủ thật sự của đất nước Nam Phi, một tấm lòng khoan dung cao cả trong tiến trình hoà giải thật sự để xây dựng đất nước.

Nelson Mandela có trong đầu một tầm nhìn khoán đạt, rộng mở; Ông không biến 28 năm tù đày thành hận thù vay-trả-trả-vay khi cầm quyền mà bao dung bỏ hết khổ đau tủi nhục mà bản thân ông và rất nhiều chiến hữu ANC đã phải trải qua rơi vào quên lãng để mang lại sự ổn định cho đất nước, tránh nguy cơ một cuộc nội chiến chủng tộc và đóng góp không ít cho hoà bình thế giới.

Ông sống một đời lạc quan, yêu đời, yêu người, trọn tình trọn nghĩa với đồng bào và đất nước ông.

Năm nay ông đã 94 tuổi. Ông vừa nhập viện khẩn cấp vì bị nhiễm trùng phổi. Hôm 24-6 tổng thống Jacob Zuma vào thăm ông và sau đó nói rằng “…điều tốt nhất bây giờ là cầu nguyện cho ông”.

x x

x

         Và đến đây, tôi muốn sửa  một chút cái ý ở  phần đầu bài. Nếu phải có một điếu văn vào một ngày nào đó…Thì không chỉ cảm động, súc tích, thẩm sâu như những lời Goerges Pompidou đọc cho de Gaulle, mà hơn thế nữa, còn phải thể hiện được thêm một ý như lời của tổng thống Obama: “không riêng tôi, mà ai cũng đều đồng ý rằng Nelson Mandela là một vị anh hùng thế giới”.

Đã có một thời đất nước Nam phi là một “quê hương tan rã”.

Và có người đã phải thốt lên “Cry! Oh! My beloved country”

Và rất có thể, khi Nelson Mandela vĩnh viễn ra đi, người thương tiếc sẽ thốt lên: “Vị anh hùng đã ra đi! Hãy khóc lên đi, Ôi quê hương yêu dấu”

Nhưng với tôi, khi biểu tượng của lòng quả cảm, nhân bản, khoan dung và tầm nhìn khoán đạt phải khuất sau cụm mây xa, tôi mong mọi người cùng thốt lên:

ĐỨNG LÊN ĐI ! ÔI QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU.

30-6-2013.

Lang Vườn.     

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.